Khám phá Metaverse là gì? Và giải mã sức hút của vũ trụ ảo

Khám phá Metaverse là gì? Bước tiến lớn hay mánh lới của giới công nghệ? là ý tưởng trong bài viết hôm nay của tôi. Theo dõi bài viết để đọc thêm nhé. Kể từ sự kiện Facebook vươn mình thoát khỏi khái niệm mạng xã hội để đến với thế giới Metaverse, loạt công ty từ các ngành giải trí, game, thời trang… cũng tham gia vào cuộc đua trong siêu thế giới ảo này. Vậy Metaverse là gì và hoạt động như thế nào? Metaverse mang đến lợi ích tiềm năng gì cũng như những tác động của công nghệ mới đến thế giới? Các công ty nào đang xây dựng Metaverse? Metaverse, Blockchain và Crypto có liên quan mật thiết với nhau không? Cùng mình tìm hiểu và phân tích sâu hơn về Metaverse qua bài viết bên dưới đây nhé!

Tìm hiểu Metaverse

Metaverse là gì? Nguồn gốc Metaverse

Được dịp ngồi xem lại Avatar trên truyền hình HBO, bộ phim vẫn cứ lôi cuốn mình như thuở mới ra mắt cách đây hơn 10 năm. Lý do bộ phim khoa học viễn tưởng này để lại nhiều dấu ấn như vậy là bởi James Cameron đã một tay tạo nên hành tinh Pandora, nơi mà tất cả đều khác lạ so với thế giới mà chúng ta đang biết và đang sống.

“Tuy nhiên, điều mà mình muốn đề cập ở đây lại không phải những yếu tố 3D hay kĩ xảo mà bộ phim đạt được, mà đó là nội dung về một thế giới ảo kết nối vạn vật”

Avatar là bộ phim Metaverse khám phá thế giới Pandora bằng cách đặt con người vào một mô phỏng thực tế qua cơ thể và tâm trí của Na’vi (một giống loài ngoài hành tinh trong phim). Bộ phim khám phá khái niệm này cũng như phô trương khả năng của công nghệ AR và VR – hai công nghệ chính tạo nên vũ trụ Metaverse. Bộ phim cũng giả định một tương lai khi con người người có thể dùng các Avatar riêng của bản thân để tương tác với nhau tại một chiều không gian khác.

“Metaverse là gì? Tưởng lạ mà lại quen đến không tưởng!”

Metaverse đơn giản được hiểu là siêu vũ trụ ảo và ở đây thì các không gian vũ trụ ảo cùng tồn tại, trong khi đó thì tiền tố ‘meta’ có nghĩa là vượt lên. Như chúng ta cũng đã thấy sau khi công ty mẹ Facebook đổi tên thành Meta, CEO Mark Zuckerberg muốn hướng tương lai công ty vượt xa hơn nữa thông qua việc xây dựng và đưa trải nghiệm người dùng theo chủ nghĩa Maximalist (chủ nghĩa tối đa hóa), kết nối trực tiếp đến một thế giới được gọi là Metaverse.

Còn hậu tố ‘verse’ là viết tắt của từ Universe, đề cập đến yếu tố mang tính vũ trụ. Các công ty công nghệ sử dụng thuật ngữ này để mô tả một thế giới ảo được tạo nên từ Internet cơ bản và hỗ trợ các công cụ thực tế ảo VR (Virtual Reality) hay thực tế ảo tăng cường AR (Augmented Reality), hoặc thậm chí là cả MR (Mixed Reality, kết hợp giữa VR và AR).

Theo Wall Street Journal, vũ trụ ảo Metaverse không chỉ là nơi để chơi game và giải trí. Đây sẽ là một thế giới tương lai, mang đến sự đổi mới về công nghệ và làm thay đổi cách chúng ta sống, làm việc với các vấn đề thường gặp như giáo dục, kinh tế, quản lý cơ sở,…

“Lịch sử Metaverse cùng những ý tưởng ban đầu”

Thực ra Metaverse đã được manh nha từ gần 30 năm trước và được nhà văn người Mỹ Neal Stephenson nhắc đến trong cuốn tiểu thuyết Snow Crash năm 1992. Theo đó, Metaverse là một vũ trụ do máy tính tạo ra, tồn tại song song với cuộc sống thật và là nơi chúng ta có thể thay đổi các chuẩn mực xã hội. Bối cảnh của cuốn sách diễn ra trong tương lai, khi mọi người sử dụng kính thực tế ảo để nhập vai tương tác trong thế giới 3D.

Từ năm 1992 đến năm 2004, một số công ty như There Inc, Blaxxun Interactive và IMVU đã phát triển các thế giới ảo 3D khác nhau với đa dạng hình thức như: trò chơi, ứng dụng, mạng xã hội… cung cấp các nhân vật khác nhau để người dùng có thể tương tác và mua bán vật phẩm thông qua hình thức thanh toán số. Khái niệm này tiếp tục được mở rộng trong tiểu thuyết Ready Player One (2011) của nhà văn Ernest Cline với Oasis – một thế giới ảo toàn diện tồn tại song song với thế giới thực mà ta đang sống.

Chúng ta có thể thấy Metaverse là sự pha trộn giữa thế giới thực và thế giới ảo thông qua các công cụ AR, VR.., mạng Internet và công nghệ lõi. Mặc dù đã được Neal Stephenson nhắc đến từ năm 1992 nhưng đến nay Metaverse mới được chú trọng phát triển. Sở dĩ như vậy là bởi dưới tác động của đại dịch Covid-19, con người đang ước về việc được tập hợp và làm việc với nhau trong một thế giới ảo giống như thế giới thật.

Phần đông cho rằng Metaverse là bước ngoặc công nghệ quan trọng tiếp theo của loài người, sau kỷ nguyên Internet. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ NFT, Blockchain, Crypto Currency (tiền mã hóa) cũng được kỳ vọng sẽ là động lực giúp xây dựng một mô hình kinh tế trên nền tảng này, giúp con người có thể mua bán và trao đổi với nhau. Tuy nhiên, một số người bày tỏ ý kiến quan ngại về công nghệ mới này, vì đâu lại có sự đối nghịch đó?

Metaverse là tương lai, nhưng người ta có ‘mỹ miều’ cụm từ này quá chăng?

Trở lại với cuốn tiểu thuyết của Stephenson, những gì mà ông mường tượng tập trung xung quanh một con phố kỹ thuật số ba chiều với bất động sản ảo, nơi hình đại diện của người dùng có thể đi dạo, tiệc tùng và kinh doanh, tìm kiếm không gian và tương tác với nhau. Không gian này được điều hành bởi một công ty có tên Global Multimedia Protocol Group, tập đoàn khổng lồ đóng vai trò là xương sống của không gian mạng 3D. Từ đây, chúng ta có thể chia hai nhóm người dùng trong Metaverse.

Trường phái thứ nhất muốn xây dựng nền kinh tế ảo, xoay quanh việc xây dựng một thế giới ảo dựa trên blockchain, dùng NFT và tiền mã hóa để sử dụng các tính năng bên trong trò chơi,… Các tựa game như Decentraland, Roblox cho phép người dùng mua các lô đất ảo và xây dựng không gian của riêng họ.

Nhóm thứ hai sử dụng Metaverse để chỉ thế giới ảo rộng hơn, tiệm cận đến giác quan của mỗi người, nơi chúng ta có thể gặp nhau để làm việc hoặc giải trí. Điển hình qua việc Meta muốn đưa tất cả ứng dụng của họ vào một thế giới ảo, kết nối với nhau và Mark cho rằng Metaverse sẽ là sự kế thừa của Internet di động.

“Dấu hiệu Web 2.0 đã thoái trào và cánh cửa của kỉ nguyên mới Web 3.0”

“Metaverse sẽ trở thành cuộc cách mạng lớn nhất của nền tảng máy tính từ trước tới nay – lớn hơn sự kiện di động, lớn hơn cả cách mạng sản sinh ra web”, trích lời khẳng định từ phó chủ tịch cấp cao và quản lý kiến tạo tại công ty Unity Software, Marc Whitten trong một bài diễn văn (theo The Wall Street Journal).

Có thể bạn đang tự hỏi Web 3.0 có liên quan gì với Metaverse đúng không nào? Bởi vì vốn dĩ bản chất Web 3.0 sẽ được phân cấp và hoạt động thông qua các mạng phi tập trung (các mạng giống nhau mà trên đó blockchain và tiền điện tử được xây dựng). Ở thời điểm hiện tại, mọi người tương tác trực tuyến với nhau bằng cách truy cập các trang web nền tảng truyền thống mà dân công nghệ gọi là Web 2.0, mạng xã hội hoặc sử dụng các ứng dụng theo chiều 2D.

Từ lúc còn ngồi trong ghế nhà trường, mình còn nhớ mãi câu đùa rằng ‘chỉ với 1 thanh tìm kiếm, kiến thức của cả thế giới sẽ nằm gọn trong tay’. Vậy mà giờ đây từ email đến việc nhắn tin, xem video, livestream,… mọi thứ đều nhờ Internet. Tuy nhiên, cái gì cũng có giới hạn và Internet cũng vậy. Facebook gây nghiện như vậy nhưng tại sao họ lại lật đật nhánh rẽ sang thế giới mới? Có rất nhiều lý do cho việc đó nhưng rõ ràng là có điều gì đó không ổn trong cách chúng ta xây dựng không gian trực tuyến hiện nay.

Đơn cử như các mạng xã hội hiện nay chỉ là nền tảng 2D chứ chưa có sự liên kết chặt chẽ và chúng ta cũng đang bị khai thác, kiểm soát thông tin quá nhiều. Web 3.0 tập trung vào yếu tố đồ họa 3D, thiết kế ba chiều sẽ được sử dụng trong các trang web và dịch vụ để cung cấp hình ảnh rõ ràng cho người dùng. Ví dụ: hướng dẫn bảo tàng, trò chơi máy tính,… Theo mình thì đây là một trong những cốt yếu khắc phục web 2.0 và cơ sở để hình thành nên Metaverse.

“Công nghệ blockchain đóng vai trò trụ cột song song cùng NFT”

Một trong những tính năng cần thiết của Metaverse sẽ là khả năng di chuyển hình avatar và tài sản của bạn một cách liền mạch và tức thì từ thế giới này sang thế giới khác. Do đó, blockchain có thể là thứ khiến điều đó trở nên khả thi. Đầu năm nay, một trong những nhà đấu giá uy tín nhất thế giới – Sotheby’s, đã khởi động một cuộc triển lãm tại một địa điểm với tên gọi là NFT Metaverse. Trong không gian ảo mà Sotheby’s giới thiệu, công ty đã tạo ra một bản sao kỹ thuật số của trụ sở chính của công ty này ở London. Các con phố ảo của Decentraland được biết đến là thế giới ảo phi tập trung đầu tiên trên thế giới.

Sự phát triển bùng nổ của NFTs cũng sẽ đóng một vai trò nền tảng trong Metaverse, cho phép mọi người sở hữu hoàn toàn các nhân vật của họ, các vật phẩm tích lũy được trong trò chơi và thậm chí cả vùng đất ảo. Chúng ta có thể sở hữu và kiểm soát tài sản kỹ thuật số của mình thay vì giao phó cho các tập đoàn công nghệ tài phiệt. Chúng ta nên là người sở hữu tài sản hơn là để các công ty này cho phép chúng ta truy cập khi ở trên nền tảng của họ, chơi theo luật của họ.

“Các công cụ VR, AR, MR là cách đưa chúng ta vào Metaverse”

Diễn tả thế nào nhỉ! Mình nghĩ chắc chắn những ai đã và đang tìm thấy những điểm hấp dẫn ở Tiktok thì cũng sẽ ấn tượng với cách mà VR, AR.. mê hoặc chúng ta. Mình tin rằng thời của AR và VR sẽ tới khi Metaverse trở nên phổ biến như kiểu Facebook hay TikTok hiện nay.

Liên tưởng đến cảnh phim trong ‘Johnny English Strikes Again’ khiến mình cực kỳ phấn khích, Rowan Atkinson, người mà chúng ta thường biết đến biệt danh Mr. Bean vào vai một điệp viên hài hước và lỗi thời. Khi anh ấy vô tình đeo chiếc kính thực tế ảo bí mật sản xuất riêng cho mật vụ, anh đã đắm chìm trong không gian thực tế ảo được thiết kế chuyên biệt cho huấn luyện, không gian này mở rộng và chứa nội dung bối cảnh tương đồng với ngoài đời nên hầu như anh chàng chẳng thế rời mắt khỏi.

Một trong những điểm khác biệt của Metaverse đó là thế giới này cho phép người dùng hòa vào một không gian giống thật nhất có thể, thứ mà nếu chỉ nhìn qua màn hình bình thường thì bạn không thể cảm nhận được. Ngay cả khi bạn nhìn vào những hình ảnh 3D trên một cái màn hình thì bạn cũng bị giới hạn những gì bạn thấy trong cái màn hình đó thôi, bạn không thể cảm nhận được như thế giới thực.

Từ 2017, Mark Zuckerberg (CEO Facebook) đã quyết đầu tư 1 tỷ USD vào công ty chuyên sản xuất thiết bị thực tế ảo Oculus. Giữa năm nay, Facebook cho biết sẽ thành lập một đội ngũ chuyên nghiên cứu Metaverse. Cũng trong sự kiện vừa qua của Facebook, một thiết bị giống kính thực tế ảo Oculus hiện tại của công ty được gọi là ‘retina resolution’ (độ phân giải retina) dành cho Metaverse.

“Metaverse sẽ không phải là một phép màu công nghệ đột phá nào cả”

Đến đây, mình sẽ đúc kết Metaverse chính là tương lai của công nghệ nơi con người dù ở bất cứ đâu vẫn có thể giữ kết nối thông suốt qua kính thực tế ảo và là thế hệ tiếp theo lấy Internet làm nền tảng. Tuy nhiên, để mà xem Metaverse đột phá như một cuộc cách mạng lớn như Marc Whitten nói thì mình cho rằng là chưa đủ hoặc nói ‘bình mới rượu cũ’ cũng chưa hoàn toàn chính xác. Đúng ra thì Metaverse là một sự tiến hóa từ những nền tảng đã có sẵn.

Nhìn lại tiến trình phát triển AR, VR, công nghệ này gần như đã hoàn toàn có mặt trong cuộc sống và cách thức phát triển tương tự như smartphone. Các nhà cung ứng phần cứng làm ra sản phẩm và các nhà phát triển ứng dụng làm nội dung tích hợp vào. NFTs, Blockchain hay Crypto, tất cả đều đang được xây dựng và bùng nổ, thậm chí tại Việt Nam thì những công nghệ này trở thành trào lưu và luôn nằm trong top từ khóa tìm kiếm. Chung quy lại thì những công nghệ này vẫn còn chớm nở trong cuộc sống thường nhật nên hẳn sẽ còn mất một thời gian để chúng ta có thể làm quen với cụm từ Metaverse.

Những dự án Metaverse đã xuất phát trước trong thế giới Blockchain

Chúng ta nghe quá nhiều về sự đổi mới của Facebook nhưng thực chất ý tưởng của Zuckerberg đã có người làm từ 18 năm trước. Second Life ở những năm 2003, một thế giới ảo nơi người dùng có thể khởi tạo nhân vật và chu du đến các thế giới và vùng đất khác nhau, nhập vai, làm việc, tạo ra của cải và giao lưu với các cư dân khác. Nền tảng này còn cho phép người dùng sử dụng ngôn ngữ lập trình để thiết kế các vùng đất của riêng mình.

  • Axie Infinity (AXS) – 2018

Axie Infinity là sản phẩm của startup Sky Mavis với với nhà sáng lập kiêm CEO người Việt Nam – Nguyễn Thành Trung. Ra mắt vào đầu năm 2018, đây là tựa game dựa trên nền tảng blockchain cho phép người chơi có thể chiến đấu, thu thập, nuôi và xây dựng một vương quốc nhân vật của riêng mình. Chỉ trong 3 năm, Axie Infinity là một trong những cái tên hot nhất của thị trường game trên thế giới và được xem như lá cờ đầu mang dòng game NFT đến với người chơi trên toàn cầu.

Sức hút lớn nhất của Axie Infinity nằm ở việc tựa game này sử dụng công nghệ NFT (Non-fungible token). Theo đó, các đồ vật trong game sẽ là duy nhất, không thể bị làm giả hoặc nhân bản giống như hầu hết các tựa game khác. Từ đấy, các vật phẩm này có thể mua bán, sang tay giữa các game thủ bằng đồng tiền ảo riêng trong thế giới của Axie Infinity.

  • Decentraland (MANA) – 2017

Trước Axie Infinity một năm, Decentraland – nền tảng bất động sản thực tế ảo (VR) được phát triển dựa trên Blockchain của Ethereum, cho phép bạn tạo ra một nền kinh tế dựa trên các token để sở hữu đất đai trong môi trường thực tế ảo. Điểm mình thích ở Decentraland là chúng ta hoàn toàn có thể mua sắm mảnh đất, lái xe, học tập… và các mảnh đất trên Mana có giá trị sở hữu vĩnh viễn. Bạn có thể thoả sức sáng tạo nội dung trên phần đất mà không lo ngại gì. Hơn thế nữa, nội dung Decentraland hoàn toàn độc lập, từ 3D tới các trò chơi phong phú.

  • The Sandbox (SAND) – 2012

The Sandbox là một thế giới ảo nơi người dùng có thể xây dựng cũng như tiền tệ hoá trải nghiệm chơi game của mình trên mạng lưới Ethereum và hạt nhân của thế giới này chính là đồng token SAND. Người chơi có thể tạo ra tài sản kỹ thuật số dưới dạng NFT (tạm dịch là Token có thể hoán đổi), chuyển lượng tài sản này lên marketplace và tích hợp vào các trò chơi với Game Maker.

Bắt nguồn của các game sandbox là dựa trên các game chiến đấu và dịch chuyển trong không gian như Elite (1984). Game sandbox này càng được cải tiến, xây dựng hệ thống trò chơi càng ngày càng chi tiết và phát triển thêm tính tương tác xã hội, chia sẻ nội dung trong game trên internet.

Minecraft là một tựa game thế giới mở, tại đây bạn có thể khai thác tài nguyên chế tác công cụ, xây dựng công trình và tạo ra thế giới riêng của mình, cũng như tương tác với người chơi khác thông qua các tính năng và chế độ chơi khác nhau. Minecraft (2011) là một trong những ví dụ thành công nhất của trò chơi sandbox với người chơi có thể thưởng thức ở cả hai chế độ sáng tạo lẫn chế độ sinh tồn theo hướng xác định rõ mục tiêu hơn trong thế giới ảo.

Ra mắt 2006,  Roblox cho phép bạn tạo các trò chơi của riêng mình và sau đó chơi chúng với những người dùng khác. Công ty Game đã được định hướng như một nền tảng giải trí được miêu tả là mang đến các trải nghiệm. Nền tảng này hiện là nơi tập trung hàng triệu trải nghiệm khác nhau do người dùng tạo nên, đa số mang cấu trúc của một trò chơi nhưng số khác là các hoạt động trong đời sống như nghe hòa nhạc, mua sắm và dự lễ trao giải ảo.

Tuy vậy, điều khiến Roblox chưa phải là Metaverse thực thụ là do những vật phẩm trong Roblox sẽ chỉ có áp dụng bên trong phạm vi của nền tảng này. Trong khi một Metaverse thực sự là nơi bạn có thể đi từ Roblox sang Horizon, Minecraft hoặc Fortnite tùy thích mà không cần tắt game này để mở game khác lên.

Các nền tảng trò chơi trực tuyến như Fortnite, Minecraft và Roblox đang được xây dựng để vượt ra ngoài việc chơi game đơn thuần và đang trở thành các nền tảng xã hội rộng lớn theo đúng nghĩa, cũng như tổ chức các câu lạc bộ ảo, buổi thi đấu, hòa nhạc và các sự kiện khác. Khái niệm Metaverse nổi lên đã làm mưa làm gió trong thị trường nhiều tháng qua. Cùng với NFT và các thể loại blockchain game, các dự án metaversre giúp hoàn thiện nên bức tranh về cách mà blockchain và tiền mã hóa sẽ được sử dụng trong thực tế như thế nào.

Chắc chắn sẽ còn một chặng đường dài nữa để Metaverse len lỏi vào ngóc ngách trong cuộc sống mỗi người. Metaverse giờ đây vẫn chỉ là một concept thuộc về tương lai và chưa phải thời điểm bùng nổ do nhiều rào cản về pháp lý cũng như công nghệ phần cứng. Tuy nhiên, chúng ta không thể phủ nhận tiềm năng đầu tư từ các ông lớn cho thấy Metaverse hoàn toàn có thể trở thành ngành công nghiệp hàng nghìn tỷ đô trong tương lai. Một không gian để kinh doanh, giải trí, thương mại và là nơi làm việc lý tưởng.