Chia sẻ Tản nhiệt nước là gì? Hệ thống này có gì đặc biệt, cần quan tâm? là vấn đề trong bài viết bây giờ của tôi. Theo dõi nội dung để đọc thêm nhé. Thể theo yêu cầu của các bạn trong bài viết trước của mình, hôm nay mình sẽ viết một bài đi sâu vào tìm hiểu hệ thống tản nhiệt bằng nước (chất lỏng) trên PC nhé. Để xem cụ thể rằng hệ thống tản nhiệt bằng nước là hệ thống như thế nào, có cấu tạo và hoạt động ra sao nhé.
Tản nhiệt là gì?
Chắc hẳn hầu hết ai trong chúng ta cũng đều biết đến tản nhiệt và sự quan trọng của tản nhiệt đúng không nào? Nhưng dường như sẽ không nhiều bạn tìm hiểu và biết cơ cấu cũng như phương thức làm việc cụ thể của một hệ thống tản nhiệt nhỉ?
Nói cho bình dân dễ hiểu thì tản nhiệt là một hệ thống giúp hạ hỏa cho thiết bị máy móc, giúp thiết bị không bị quá nhiệt dẫn đến hư hỏng. Bởi trong quá trình sử dụng thì các thiết bị phần cứng nhất là CPU và VGA sẽ tỏa ra một lượng nhiệt rất lớn.
Chính vì thế mà bộ phận tản nhiệt được ra đời nhằm giúp giảm thiểu lượng nhiệt đó. Các bộ phận này sẽ hấp thụ hầu hết lượng nhiệt phát sinh trong quá trình máy vận hành, sau đó phân tán lượng nhiệt này vào môi trường trước khi linh kiện máy tính bị quá nhiệt.
Đặc trưng và phổ biến nhất trên thị trường hiện nay là hệ thống tản nhiệt khí và hệ thống tản nhiệt bằng chất lỏng hay còn gọi là tản nhiệt nước.
Hôm nay hãy cùng mình tìm hiểu về hệ thống tản nhiệt nước xem liệu đây có phải là một công nghệ tốt và đáng được chú ý trong tương lai hay không nhé.
Tản nhiệt bằng chất lỏng là gì? Liệu rằng tản nhiệt bằng chất lỏng có tốt hay không?
Ta hãy mở đầu với thuật ngữ làm mát bằng nước nhé. Đây là một phương pháp nhằm loại bỏ nhiệt từ các bộ phận của thiết bị công nghiệp bằng cách sử dụng chất lỏng. Không giống như việc làm mát bằng không khí trước kia, việc sử dụng nước làm chất dẫn nhiệt đã tỏ ra hiệu quả hơn trong việc làm mát các loại động cơ tỏa nhiệt lớn.
Tản nhiệt nước sẽ có hiệu quả làm mát cao hơn rất nhiều so với việc làm mát bằng việc thổi khí (cũng như đi tắm thì sẽ mát hơn ngồi quạt ấy mà). Từ đó tản nhiệt nước được phát triển với mục đích làm mát các dàn máy tính khủng và nóng đến mức một chiếc quạt khí không thể cân nổi.
Vậy nên dù được sinh sau đẻ muộn so với tản nhiệt khí truyền thống. Nhưng tản nhiệt nước đã đáp ứng gần như rất tốt nhu cầu hạ hỏa cho các dàn máy tính khủng long làm việc với công suất cao trong thời gian dài.
Sự ra đời của tản nhiệt nước trên PC
Dựa trên nguyên lý tản nhiệt bằng nước, việc làm mát các bộ phận của máy tính bằng nước đã được sử dụng từ những năm 1982 trên siêu máy tính Cray-2. Dần dần đến năm 1990, việc làm mát bằng nước cho các máy tính gia đình ngày càng phổ thông và được công nhận bởi những người đam mê.
Tuy nhiên việc làm mát bằng nước chỉ thực sự trở nên phổ biến sau khi bộ vi xử lý Athlon hoạt động quá nóng vào giữa những năm 2000.
Làm mát bằng nước có thể được sử dụng để làm mát cho nhiều bộ phận trong máy tính, nhưng đặc biệt là sử dụng để làm mát cho CPU.
Bằng việc chuyển nhiệt của thiết bị sang một bộ phận trao đổi nhiệt riêng lớn hơn, tản nhiệt bằng nước cho phép các linh kiện hoạt động êm ả hơn, tăng tốc độ xử lý hoặc cân bằng giữa cả hai. CPU, GPU, ổ đĩa cứng, thậm chí nguồn cung cấp điện cũng có thể được làm mát bằng nước.
Vậy tản nhiệt nước sẽ có cấu tạo như thế nào?
- Block (Tấm ốp, tấm dẫn nhiệt): Đây là bộ phận tiếp xúc trực tiếp với thiết bị đang cần được làm mát. Linh kiện này thường được sản xuất từ kim loại có khả năng dẫn nhiệt cao như Nhôm hoặc Đồng.
- Bình chứa nước: Đây là nơi lưu trữ chất lỏng làm mát và nó cũng đóng vai trò giống như là cổng nạp cho chất lỏng làm mát. Bình chứa nước càng lớn đồng nghĩa với việc lượng nước làm mát được lưu trữ càng nhiều và nhờ đó hiệu suất làm mát cũng tăng lên, lượng nhiệt tiêu tan cũng nhiều hơn.
- Bơm (Pump): Bơm trong hệ thống tản nhiệt như những chiếc bơm to và cồng kềnh. Loại bơm này chỉ là loại động cơ nhỏ nhưng vẫn sử dụng điện xoay chiều làm nguồn. Đây là bộ phận quyết định lưu lượng nước chảy trong vòng tuần hoàn của hệ thống tản nhiệt. Không có bơm thì nước làm mát trong hệ thống sẽ không thể nào di chuyển được.
- Két nước (Radiator): Đây là bộ phận có chức năng truyền nhiệt giữa nước và không khí. Két nước thường được làm từ chất liệu đồng, đồng thau hoặc nhôm và ván lót làm từ thép không rỉ.
- Quạt: Trong hệ thống thì quạt sẽ gắn liền với két nước. Quạt sẽ sử dụng sức gió làm mát nước trong két nước. Tùy thuộc vào kích thước két nước mà có số lượng quạt đi kèm theo tương ứng.
- Ống nước: Không phải nói ra cũng có thể biết đây là bộ phận sẽ dẫn chất lỏng đi khắp hệ thống để thực hiện nhiệm vụ tản nhiệt của mình.
- Dung dịch làm mát: Linh hồn của toàn bộ hệ thống làm mát bằng chất lỏng. Thông thường người dùng sẽ chọn nước cất (để tránh bám rong rêu trong hệ thống), hoặc dung dịch Coolant để có một hệ thống đẹp và bắt mắt.
Nguyên lý hoạt động của tản nhiệt nước
Nguyên tắc hoạt động của tản nhiệt nước có phần hơi phức tạp hơn tản nhiệt khí nhiều vì tản nhiệt nước nhiều bộ phận hơn. Dung dịch làm mát hay còn gọi là dung dịch tản nhiệt sẽ chạy trong một vòng tuần hoàn nhờ các ống dẫn đi qua các bộ phận của hệ thống tản nhiệt.
Nhiệt lượng từ linh kiện sẽ được truyền vào keo tản nhiệt, sau đó qua Water block, rồi truyền tiếp qua chất lỏng tản nhiệt. Theo các ống dẫn, nhiệt lượng này cùng với chất lỏng tản nhiệt sẽ đi qua bộ tản nhiệt chính là két nước và tiếp tục được làm mát nhờ quạt rồi mới quay trở lại về vị trí của Water block để tiếp tục vòng tuần hoàn khép kín.
Khả năng hấp thụ nhiệt của không khí kém hơn của nước, nên tản nhiệt bằng chất lỏng sẽ tỏ ra hiệu quả hơn vì nhiệt lượng được truyền qua hấp thụ nhanh và nhiều hơn.
Các loại tản nhiệt nước thường thấy
- Tản nhiệt nước All In One (AIO)
Đúng như các tên tất cả trong một, hệ thống tản nhiệt nước AIO là một hệ thống cố định bao gồm tất cả các bộ phận của bộ tản nhiệt chất lỏng (Block, bơm, bình chứa, radiator,…) được lắp đặt sẵn một cach đầy đủ. Đây có thể coi là phiên bản mỳ ăn liền của hệ thống tản nhiệt nước khi mà bạn chỉ cần mua một bộ đầy đủ về rồi ráp vào máy tính thôi.
Tản nhiệt nước AIO có rất nhiều kích cỡ từ nhỏ đến lớn và có thể dễ dàng lắp đặt như những loại tản nhiệt thông thường. Nhưng việc này đồng thời buộc người dùng chú ý đến không gian của bộ máy trước khi lắp đặt. Bạn không thể lắp một bộ tản nhiệt quá lớn vào một chiếc thùng máy bé tí ni phải không?
Vì là một hệ thống kín được lắp sẵn nên tản nhiệt nước AIO không yêu cầu phải bơm lại nước và cần phải bảo dưỡng định kỳ tản nhiệt. Đổi lại khi có bất cứ một thiết bị nào trong hệ thống gặp hư hỏng thì bạn buộc phải thay cả hệ thống.
- Tản nhiệt nước Custom
Đây giống như việc bạn sẽ phải mua từng linh kiện rồi tiến hành lắp ráp hệ thống tản nhiệt theo ý thích cá nhân vậy.
Sử dụng tản nhiệt Custom yêu cầu người dùng phải có đủ kiến thức về máy móc, nghiên cứu kỹ lưỡng, lập kế hoạch bài bản và tất nhiên cũng sẽ phải tốn kém hơn nhiều so với All In One. Nhưng đổi lại bạn sẽ có một hệ thống tản nhiệt xanh xanh đỏ đỏ đẹp mắt xin xò theo đúng ý bạn.
Ở thời điểm hiện tại thì đa số các hãng đã lên đủ cho bạn các bộ phận cần thiết của một hệ thống tản nhiệt nước cơ bản rồi. Bạn chỉ còn việc là cần làm đó là lắp chúng vào máy tính của mình là xong. Nhưng quan trọng hơn hết vẫn là tay nghề lắp ráp. Bạn sẽ không muốn nước chảy rỉ rả trong dàn máy khi hoạt động đâu đúng không?
Thế tản nhiệt nước có những ưu điểm gì đáng để ta quan tâm?
- Hiệu quả làm mát cực tốt trong nhiều điều kiện và nhu cầu sử dụng
Điểm mạnh nhất của hệ thống tản nhiệt bằng chất lỏng này đó chính là hiệu quả làm mát cực tốt. Đối với những dàn máy tính cấu hình khủng làm việc liên tục trong thời gian dài như dựng hình 3D, render video với hiệu ứng cao, hay game thủ chơi game liên tục trong mùa dịch… thì đây được xem là lựa chọn tối ưu nhất cho người dùng.
- Thiết kế hiện đại bắt mắt, đèn xanh xanh đỏ đỏ cho em nhỏ nó mừng
Chưa kể đến việc dàn tản nhiệt nước nếu kết hợp với hệ thống đèn sẽ càng tôn thêm nét hiện đại cho chiếc máy tính của bạn. Một thùng máy với đèn LED lấp lánh đổi màu xanh xanh đỏ đỏ em nhỏ nó mê trông sẽ cực kỳ xịn sò đúng không nào?
- Tần suất vệ sinh thấp, không cần bảo trì bảo dưỡng quá nhiều, thích hợp cho các bạn lười vệ sinh máy (như mình)
Và còn một ưu điểm khác của tản nhiệt bằng chất lỏng này đó là hệ thống sẽ cực kỳ ít bám bụi. Nhờ vào lợi thế này sẽ giảm tối đa thời gian vệ sinh cũng như thời gian bảo trì và bảo dưỡng cho thiết bị.
- Yên tĩnh cho không gian cần sự tập trung hoặc để tránh những pha gank về đêm của nhị vị phụ huynh
Không như hệ thống quạt của tản nhiệt khí, hệ thống tản nhiệt nước hoàn toàn không gây ra quá nhiều tiếng ồn. Cực kỳ phù hợp cho những bạn thích sự yên tĩnh tuyệt đối khi sử dụng. Đây cũng là biện pháp tốt khi bạn muốn tắt hoàn toàn âm thanh trong phòng tránh các pha gank khi chơi game lúc nửa đêm của nhị vị phụ huynh mình.
Nhưng không có gì làm hoàn hảo, kể cả tản nhiệt nước cũng sẽ có khuyết điểm của chính mình
- Giá thành cao, đau túi tiền
Khuyết điểm lớn nhất mà khiếu hầu hết mọi người đều e dè khi trang bị tản nhiệt nước đó là giá thành cao hơn tản nhiệt khí rất nhiều. Bạn sẽ phải mất một khoản kha khá tiền mới có thể trang bị cho một bộ làm mát tối ưu nhất. Mới nghe đã thấy đau cái bóp rồi đó!
- Đòi hỏi kỹ thuật cao khi lắp đặt
Khó lắp đặt cũng là một khuyết điểm đáng nói đến của bộ phận làm mát hiện đại này. Gần như có rất ít bạn nào đủ tự tin cũng như đủ khả năng tự mình lắp đặt một bộ tản nhiệt nước. Nói thì nói vậy thôi chứ lỡ mà làm gì sai khiến nước bị rò rỉ ra ngoài thì vừa mất tiền mà còn vừa gây hại cho toàn bộ hệ thống máy tính nữa chứ.
- Gây thiệt hại lớn nếu bị hư hỏng
Từ đó ta có thể thấy ngay khuyết điểm tiếp theo của hệ thống tản nhiệt nước đó là có thể gây thiệt hại nặng nề cho các bộ phận phần cứng khác khi gặp sự cố. Cả hệ thống máy tính đấy, không phải đùa đâu.
- Khó khăn trong bảo trì, bảo dưỡng
Và cuối cùng thì bộ tản nhiệt nước này sẽ gây khó khăn cho việc vệ sinh cũng như bảo trì. Không phải không bám bụi thì bạn sẽ không quan tâm đến việc vệ sinh nhé. Đây cũng là việc bạn cần phải thực hiện cho chiếc máy tính của mình. Nhưng vì việc bám bụi vào hệ thống sẽ giảm đáng kể hơn so với dùng quạt tản nhiệt dẫn đến tần suất vệ sinh không cao nên đây có lẽ là khuyết điểm mà ta có thể phớt lờ đi đấy.