Đánh giá Cinematic Mode là gì? Tính năng mới trên iPhone 13

Khám phá Cinematic Mode là gì? Tính năng mới trên iPhone 13 camera có gì mới? là vấn đề trong nội dung hôm nay của chúng tôi. Theo dõi bài viết để hiểu thêm nhé. Vừa qua, thông tin Apple công bố thế hệ iPhone tiếp theo đã khiến cho các iFans và người yêu công nghệ đứng ngồi không yên. Bên cạnh những cải tiến và nâng cấp về thiết kế, hiệu năng, tuổi thọ pin… thì tính năng Cinematic Mode được xem là điểm đặc biệt, nổi bật nhất trên iPhone 13. Cinematic Mode không chỉ được tích hợp sẵn trên iPhone 13 Mini mà đối với iPhone 13 Pro và iPhone 13 Pro Max thậm chí còn mạnh mẽ hơn. Vậy Cinematic Mode là gì? Hãy cùng mình tìm hiểu qua bài viết nhé!

1. Cinematic Mode là gì và hoạt động như thế nào?

Chế độ Cinematic (Cinematic Mode) là một tính năng quay video mới trên dòng iPhone 13, được lấy cảm hứng từ một kỹ thuật quay phim thường thấy của các nhà làm phim Hollywood – Rack Focus (Điều chỉnh tiêu cự) và được thực hiện hóa nhờ vào sức mạnh của Chip Apple A15 Bionic. Tính năng này cho phép điện thoại tự động thay đổi tiêu điểm của hình ảnh dựa trên độ sâu khung hình và chuyển đổi tiêu điểm một cách thông minh từ chủ thể này sang chủ thể khác.

Không chỉ vậy, tính năng này sẽ giúp điện thoại có thể theo dõi đối tượng đang chuyển động trong khung hình và giữ cho camera chỉ tập trung vào đối tượng đó. Bên cạnh đó, nhờ vào Chế độ Cinematic mà camera có thể dự đoán thông minh khi một đối tượng nào đó chuẩn bị bước vào khung hình, sau đó sẽ tập trung lấy nét đối tượng đó khi họ xuất hiện. Và hơn hết, tất cả các cảnh quay đều được ghi lại trên Dolby Vision HDR.

Chế độ Cinematic hoạt động gần giống như Portrait Mode (Chế độ chụp ảnh chân dung xóa phông) của Apple nhưng khác biệt ở chỗ Chế độ Cinematic là tính năng dành cho quay video. Nói về Portrait Mode, chế độ này sẽ tự động đo khoảng cách chủ thể, tạo ra bản đồ chiều sâu đa điểm. Bản đồ này được sử dụng để tạo chiều sâu nhân tạo, làm mờ nền cả mặt trước và mặt sau với các hiệu ứng xóa phông bokeh nhằm tạo ra hình ảnh tương tự máy ảnh DSLR.

Tương tự như vậy, Chế độ Cinematic cũng tạo ra một bản đồ chiều sâu đa điểm khi bạn quay video. Cinematic Mode sử dụng sự chênh lệch của máy ảnh âm thanh nổi (loại máy ảnh có hai hoặc nhiều ống kính có cảm biến hình ảnh hoặc khung phim riêng biệt cho mỗi ống kính) giữa camera góc rộng và camera siêu rộng để tạo bản đồ độ sâu. Kỹ thuật này có thể được sử dụng để làm mờ tiền cảnh và hậu cảnh, đồng thời mô phỏng bất kì điểm dừng nào đã chọn.

Với iPhone 13 Pro và iPhone 13 Pro Max, chế độ quay phim này sẽ dùng các thuật toán AI cùng cảm biến Lidar tập trung vào nhận dạng chủ thể trong các khoảng cách dù gần dù xa, hoặc ở các điều kiện có phông nền phức tạp.

2. Những yếu tố làm cho Cinematic Mode trên iPhone 13 camera trở nên độc đáo và nổi bật

Apple không chỉ phá vỡ các giới hạn mà còn cung cấp cho chúng ta một cách tiếp cận mới lạ trong sáng tạo video và cách làm phim di động chuyên nghiệp hơn.

Độ sâu trường ảnh của Chế độ Cinematic được xây dựng dựa trên chế độ Portrait Mode và nhờ sự hỗ trợ của Chip Apple A15 Bionic, Chế độ Cinematic cho phép quay video với tốc độ 30 khung hình/ giây, điều này giúp điện thoại có thể xác định chính xác khoảng cách giữa máy ảnh và các đối tượng khác nhau trong khung hình. Chế độ Cinematic có thể được chạy một cách tự động, giúp thay đổi hiệu ứng độ sâu trường ảnh để lấy nét khuôn mặt đối tượng.

Với Cinematic Mode, bạn có thể điều chỉnh tiêu cự và f-stop sau khi quay video. Nguồn: Techpithy

Vì bản đồ độ sâu trường ảnh được lưu cùng với video, bạn có thể thay đổi tiêu điểm hoặc điều chỉnh độ sâu trường ảnh qua bất kì chi tiết nào của cảnh sau khi quay.

  • Thuật toán tự động lấy nét

Hệ thống sẽ sử dụng AI để xác định khuôn mặt và các điểm cần quan tâm, tự động phát hiện đối tượng lấy nét và tự động chuyển tiêu điểm khi chủ thể mới lọt vào khung hình máy ảnh. Tính năng này sẽ giúp bạn duy trì tiêu điểm và quản lý chuyển đổi tiêu điểm khi bạn di chuyển giữa các đối tượng.

Nếu đối tượng đang được lấy nét nhìn đi hướng khác, máy ảnh sẽ tự động lấy nét vào bất cứ chủ thể nào mà họ đang nhìn và khi đối tượng đó quay lại, máy ảnh sẽ lại tiếp tục lấy nét đối tượng đó. Sở dĩ tính năng này làm được như vậy là nhờ vào thông tin mà camera góc siêu rộng cung cấp.

Khi đối tượng nhìn sang hướng khác, camera sẽ nhanh chóng ‘bắt sóng’ và lấy nét chủ thể đang được nhìn. Nguồn: Dpreview

Song, nếu bạn không an tâm vào các thuật toán để lấy nét chính xác, bạn có thể thực hiện việc lấy nét với thao tác thủ công bằng tùy chọn khóa lấy nét vào một đối tượng cụ thể và với thao tác này, camera sẽ tiếp tục theo dõi đối tượng đó trong suốt cảnh quay.

  • Apple ProRes xuất hiện trên iPhone mới

Apple ProRes là một định dạng nén video do Apple phát triển, là một codec trung gian được sử dụng trong Final Cut Pro và các phần mềm chỉnh sửa video chuyên nghiệp khác như Premiere Pro và Avid Media Composer. Apple ProRes là một codec chỉnh sửa có chất lượng và hiệu năng cao sử dụng bộ xử lý đa lõi, cung cấp chất lượng hình ảnh đầu ra đa luồng, ấn tượng cũng như có độ phức tạp thấp, mang đến hiệu năng chỉnh sửa tuyệt vời. Định dạng này hỗ trợ kích thước khung hình khác nhau, từ SD (độ nét tiêu chuẩn), HD (độ nét cao) đến 4K và 2K.

Bạn có thể quay và chỉnh sửa video trong Apple ProRes và sự kết hợp giữa Cinematic Mode và Apple ProRes mang đến sự cạnh tranh mới khi định dạng này cung cấp chất lượng hình ảnh và độ trung thực màu sắc cao với chi phí lưu trữ tương đối thấp, vì thế cả hai sẽ là một sự kết hợp lý tưởng cho việc làm phim di động.

Apple ProRes sẽ được hỗ trợ ở phiên bản iPhone 13 Pro và iPhone 13 Pro Max vào cuối năm nay với độ phân giải 1080p và 30 khung hình/ giây ở tùy chọn bộ nhớ 128 GB; độ phân giải 4K với 30 khung hình/ giây ở các tùy chọn bộ nhớ 256 GB, 512 GB và 1 TB. iPhone mới sẽ là smartphone duy nhất trên thế giới cung cấp quy trình làm việc từ đầu đến cuối từ chụp, chỉnh sửa và chia sẻ video trong Dolby Vision hoặc Apple ProRes.

3. Vậy điểm hạn chế của Cinematic Mode là gì?

Dù là một tính năng vượt trội và đột phá nhưng Chế độ Cinematic vẫn tồn tại một vài hạn chế nho nhỏ. Thứ nhất, tính năng này không hỗ trợ quay video 4K, thay vào đó là ở mức 1080p với tốc độ 30 khung hình/ giây. Nếu bạn muốn quay video ở chất lượng cao hơn thì có lẽ phải chờ đợi ở những thế hệ iPhone tiếp theo, có thể là iPhone 14 chẳng hạn.

Một hạn chế nữa là các thế hệ iPhone cũ hơn sẽ không được hỗ trợ hay cập nhật tính năng này và mình thấy điều này khá đáng tiếc, đặc biệt đối với những người yêu thích hoặc làm công việc sáng tạo video. Song cũng khó trách bởi vì Chế độ Cinematic hoạt động chủ yếu nhờ vào sức mạnh và khả năng xử lý công việc cường độ cao của chip Apple A15 Bionic nên chúng ta chỉ đành ngậm ngùi chấp nhận vậy.

4. Cinematic Mode sẽ tạo nên một cuộc cách mạng về điện ảnh?

Trên thực tế, Apple không phải là nhà sản xuất đầu tiên có tham vọng mở rộng thị trường vào ngành công nghiệp điện ảnh. Samsung, Sony và một số thương hiệu từ Trung Quốc cũng đã có những nghiên cứu sâu hơn về độ sâu trường ảnh và nhiếp ảnh điện toán.

Song với tất cả những bổ sung và nâng cấp mới này, Apple tiếp tục làm chao đảo thị trường máy ảnh một lần nữa. Mặc dù chỉ mới được ra mắt và gặp phải một số hạn chế nhỏ, nhưng mình nghĩ rằng Chế độ Cinematic sẽ là cơn sốt của thị trường camera smartphone trong thời gian tới.

Tin chắc rằng Apple sẽ còn tiếp tục hoàn thiện tính năng này và mình hy vọng chúng ta sẽ được trải nghiệm Chế độ Cinematic cao cấp hơn nữa trong các thế hệ iPhone tiếp theo, có thể là trên iPhone 14 sắp tới.

Bạn nghĩ thế nào về Chế độ Cinematic? Bạn có muốn trải nghiệm tính năng này không? Cảm ơn bạn đã quan tâm bài viết và hãy để lại cảm nghĩ cho mình biết với nhé!