Tìm hiểu Ép xung là gì? Có nên ép xung cho thiết bị của bạn? là vấn đề trong nội dung hôm nay của chúng mình. Theo dõi bài viết để biết nhé. Ép xung từ lâu đã được biết đến là một trong những phương pháp có thể làm tăng tốc độ và sức mạnh của máy tính, laptop, ngay cả khi công nghệ vi xử lý đã có những bước nhảy vọt về hiệu năng nhưng ép xung vẫn là vấn đề thu hút đối với nhiều người dùng. Vậy ép xung có tác dụng gì và việc làm này rủi ro ra sao? Hãy cùng mình tìm hiểu phương pháp tăng tốc độ này trong bài viết hôm nay nhé!
1. Ép xung là gì?
Ép xung là phương pháp đẩy tốc độ xung nhịp của CPU vượt qua giới hạn định mức. Tốc độ xung nhịp là số chu kỳ mà CPU của bạn có thể hoàn thành trong một giây, được đo bằng đơn vị Hertz (Hz). Bạn có thể ép xung để thiết bị đạt được tốc độ xung nhịp cao hơn, cho phép bộ xử lý của bạn hoàn thành nhiều lệnh, nhiều phép toán hơn mỗi giây.
Các thành phần có thể được ép xung thường là chip bo mạch chủ, CPU, card màn hình hoặc RAM. Tuy nhiên, không có một con số chính xác nhất về việc chúng ta có thể tăng tốc độ xử lý nhanh đến mức nào. Lý do là vì mỗi lần ép xung thì đều sẽ cho ra các kết quả khác nhau.
Việc ép xung cũng dẫn đến những thay đổi về cài đặt điện năng, điện áp, nhân, bộ nhớ hay các giá trị hệ thống quan trọng khác để bộ phận có thể chạy ở mức thông số cao như mong muốn, từ đó làm tăng hiệu năng cho máy tính.
2. Ưu và nhược điểm của ép xung là gì?
Ép xung có thể cải thiện tốc độ xử lý thông tin nhưng cũng mang lại những rủi ro, gây hại đến các thành phần khác, đặc biệt là khi không được ép xung thành công. Vì thế, mình sẽ phân tích rõ những mặt lợi, mặt hại của việc ép xung để bạn có được cái nhìn khách quan nhất.
Cải thiện hiệu năng: Mục tiêu chính của việc ép xung là tăng hiệu năng của máy tính. Một số chương trình, trò chơi chuyên sâu về đồ họa yêu cầu hiệu năng của máy tính phải đủ mạnh để có thể xử lý và điều kiện này có thể được đáp ứng khi chúng ta thực hiện ép xung. Ép xung CPU/GPU sẽ tăng tốc độ xung nhịp, từ đó thúc đẩy hiệu năng tổng thể của máy tính.
Tiết kiệm chi phí: Về cơ bản, ép xung có thể giúp chúng ta tiết kiệm chi phí rất nhiều. Ví dụ bạn có thể có thể mua một card đồ họa với giá rẻ hơn và ép xung để đạt được hiệu năng tương tự như một card đồ họa xịn có giá cao hơn.
Tối đa hóa tốc độ: Thông qua việc ép xung, người dùng có thể khai phá hết tiềm năng của những linh kiện bên trong máy tính. Điều chỉnh tốc độ hiệu suất tùy theo ý muốn của bản thân.
Nâng cấp thiết bị: Ép xung cũng có thể làm cho các thiết bị, linh kiện cũ hoạt động tốt hơn, đặc biệt là các linh kiện, phần cứng không thể tháo rời.
Hư hỏng các linh kiện, thành phần khác: Việc luôn ép xung ở mức độ cao hơn sẽ dẫn đến việc làm hỏng phần cứng của máy tính. Phần cứng được ép xung có xu hướng bị quá nhiệt do điện áp bị đẩy lên quá cao hoặc không được thiết kế cho việc ép xung. Kéo theo đó thì tuổi thọ tổng thể của các phần cứng, linh kiện cũng sẽ bị giảm đáng kể.
Quá nhiệt: Các linh kiện, phần cứng chắc chắn sẽ giải phóng nhiệt lượng dư thừa gây ra trong quá trình ép xung. Nếu chỉ có riêng quạt tản nhiệt thì không thể loại bỏ lượng nhiệt dư thừa này nên chúng ta cần lắp thêm một hệ thống làm mát bằng chất lỏng. Nếu không có hệ thống làm mát, hệ thống có thể gặp sự cố thường xuyên khi hoạt động hoặc thậm chí làm hỏng phần cứng vĩnh viễn.
Mức tiêu thụ điện năng: Ép xung giúp tăng hiệu năng nhưng đồng thời có thể làm tăng gấp đôi năng lượng điện tiêu thụ. Tốc độ xung nhịp tăng luôn thu hút nhiều năng lượng hơn từ nguồn máy tính (PSU). Do đó, hệ thống đã trải qua quá trình ép xung thì sẽ không thể tiết kiệm năng lượng.
Bảo hành: Hầu hết các bảo hành của phần cứng sẽ bị vô hiệu sau khi bạn ép xung, trừ khi bạn đang sử dụng phần cứng được hỗ trợ ép xung từ nhà sản xuất. Các nhà sản xuất này có thể sẽ thay thế hoặc sửa chữa các thành phần bị hỏng do ép xung.
Mình có một lưu ý nữa dành cho các bạn, đó là ép xung trên laptop nguy hiểm hơn rất nhiều so với máy tính để bàn vì hệ thống làm mát trên máy laptop còn nhiều hạn chế. Thậm chí CPU của laptop có thể sẽ bị cháy nếu thiết bị quá nóng và điều này là nguy hiểm lắm đó các bạn ạ.
3. Các bước ép xung cơ bản
- Kiểm tra phần cứng, linh kiện đó xem có hỗ trợ ép xung hay không
Nếu bạn muốn ép xung máy tính của mình, trước tiên hãy xem xét bộ xử lý của bạn có hỗ trợ ép xung hay không vì không phải thiết bị nào cũng hỗ trợ ép xung và có 2 cách ép xung là ép xung thủ công và ép xung tự động.
Mặc dù ép xung tự động đơn giản hơn nhưng không cung cấp cùng mức độ sắc thái và khả năng kiểm soát như lộ trình thủ công. Ép xung thủ công cho phép bạn điều chỉnh chính xác cài đặt của CPU từng bước theo ý muốn, nhờ đó bạn có thể giảm thiểu nguy cơ quá nhiệt.
Một số mẫu CPU trên thị trường ngày nay có cho phép người dùng ép xung như các CPU Intel có chữ “K” (Intel Core i7 9700K) hay các bộ vi xử lý từ dòng Intel X đều có thể ép xung được. Vào tháng 7/2019, Intel đã phát hành công cụ ép xung tự động cho một loạt bộ vi xử lý chơi game mạnh mẽ của hãng.
Ngoài ra, các CPU AMD Ryzen đời mới đều được mở khóa và có thể ép xung. Tuy nhiên, nếu bạn sử dụng các thiết bị cũ hơn, bạn hãy tìm kiếm thông tin trên Google để xem liệu linh kiện, phần cứng đó có thể ép xung được hay không cho an toàn nhé!
Ép xung sẽ làm tăng nhiệt độ lõi của CPU, vì thế bạn nên đo nhiệt độ CPU trước để có thể thiết lập đường cơ sở cho các bước tiếp theo và để có thể so sánh bất kỳ thay đổi nào mà bạn gặp phải khi ép xung.
Có 2 cách kiểm tra nhiệt độ lõi CPU:
– Kiểm tra nhiệt độ CPU bằng phần mềm giám sát: Intel và AMD đều cung cấp phần mềm giám sát nhiệt độ CPU cho các sản phẩm của họ. Bạn cũng có thể sử dụng phần mềm Core Temp để kiểm tra nhiệt độ lõi của CPU.
– Kiểm tra nhiệt độ lõi CPU trong UEFI/ BIOS: Về mặt chức năng, UEFI và BIOS đều giống nhau. Trong các máy tính mới hơn chạy Windows 10, BIOS đã được thay thế bằng một bản cập nhật được gọi là UEFI (giao diện chương trình cơ sở mở rộng hợp nhất).
Bước này thực hiện để đảm bảo rằng CPU của bạn đủ ổn định để ép xung. Nếu không, CPU sẽ có nguy cơ bị cháy nếu xảy ra tình trạng quá nhiệt và gây ra những thiệt hại không thể sửa chữa cho máy tính của bạn.
Vì sự an toàn, bạn hãy thực hiện bằng cách kiểm tra khả năng hoạt động dưới áp lực cao của CPU. Bạn có thể sử dụng phần mềm Prime95 hoặc IBT để kiểm tra và bạn hãy đẩy CPU hoạt động hết công suất, sau đó xem cách CPU xử lý khối lượng công việc
Thiết lập điểm chuẩn cho CPU của bạn để bạn có thể đánh giá kết quả ép xung, bạn có thể sử dụng phần mềm Cinebench để đánh giá hiệu năng CPU hoặc 3DMark, phần mềm chấm điểm CPU dành cho các thiết bị chuyên chơi game.
Bạn sẽ cần truy cập vào UEFI của máy tính (hoặc BIOS trên các thiết bị cũ hơn) và tìm tab ép xung. Nếu bạn đang sử dụng Windows 10, bạn có thể truy cập phần này thông qua menu Cài đặt.
– Truy cập menu cài đặt (hoặc bạn có thể sử dụng phím tắt Windown + I), sau đó chọn Update & Security.
– Tiếp theo chọn Recovery.
– Chọn Restart trong mục Advanced startup heading.
– Máy tính của bạn sẽ khởi động lại, sau đó thiết bị sẽ hiển thị menu với các tùy chọn khởi động khác nhau. Bạn bấm chọn Troubleshoot.
– Trong menu tiếp theo, bạn chọn Advanced options > UEFI Firmware Settings, sau đó nhấn Restart. Sau khi máy tính khởi động lại sẽ hiển thị UEFI, từ đây bạn có thể điều chỉnh hệ số xung nhịp.
- Chọn hệ số ép xung
Ở bước này thì bạn chỉ nên thực hiện đối với ép xung thủ công, còn với ép xung tự động thì hệ thống sẽ tự chọn hệ số nhân. Chính vì thế mà bạn sẽ không cần phải tự mình thực hiện, bạn có thể bỏ qua bước này và chuyển sang giai đoạn cuối cùng. Khi tăng hệ số CPU, bạn phải thật cẩn thận vì nếu điều chỉnh không hợp lý, bạn có thể làm hỏng phần cứng nghiêm trọng hơn là làm hỏng máy tính.
Để kiểm tra sức chịu đựng và theo dõi nhiệt độ của CPU, bạn có thể tăng hệ số nhân cho một lõi, sau đó quay lại và tăng các lõi khác. Bạn ép xung càng nhiều lõi, hệ thống chạy càng nóng. Bạn chỉ có thể tăng hệ số nhân lên cao trước khi CPU vượt quá giới hạn.
Đây là giai đoạn quan trọng của toàn bộ quá trình, mỗi lần bạn tăng hệ số nhân hoặc điện áp, hãy lưu cài đặt, khởi động lại và kiểm tra. Chạy công cụ kiểm tra sức chịu đựng của CPU sau đó là công cụ đo điểm chuẩn và theo dõi nhiệt độ của CPU trong suốt quá trình hoạt động. Sau khi công cụ đo điểm chuẩn của bạn đã hoàn thành đánh giá, hãy so sánh điểm mới (sau khi ép xung) với điểm ban đầu (trước khi ép xung) của máy tính để đối chiếu.
4. Có nên ép xung cho máy tính?
Nhìn chung, việc ép xung sẽ tùy thuộc vào nhu cầu sửa dụng của mỗi người. Ép xung rất phổ biến đối với những ai đam mê vọc vạch máy tính, game thủ hoặc những người thường xuyên sử dụng các tác vụ nặng về đồ họa.
Tuy nhiên trong những năm gần đây, có một số bằng chứng cho thấy việc ép xung không còn hữu ích như trước. Các CPU máy tính hiện đại đã có hiệu năng mạnh hơn rất nhiều nên việc ép xung không còn ý nghĩa mấy.
Hơn thế nữa, việc cải thiện hiệu năng bộ xử lý có thể trở nên vô ích nếu phần còn lại của máy tính của bạn không đủ nhanh để theo kịp (hay còn được gọi là ‘tắc nghẽn cổ chai’). Như mình đã đề cập ở trên, ép xung dù lợi ích đến đâu thì vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm cho máy tính, vì thế việc thực hiện ép xung chỉ thích hợp với những ai có kinh nghiệm và kiến thức về phần cứng của máy tính.
Mặc dù ép xung cải thiện hiệu năng máy tính theo nhiều cách nhưng đây không phải là phương pháp tốt nhất. Nếu xử lý không cẩn thận, ép xung có thể gây ra một số thiệt hại nghiêm trọng cho các linh kiện bên trong máy tính. Do đó, bạn cần lưu ý về cả lợi ích lẫn rủi ro trước khi thực hiện quá trình này. Bạn thấy bài viết của mình thế nào, hãy để lại cảm nghĩ bên dưới nhé!